Tản mạn bất động sản Sài Gòn (Phần 5)

sacmausaigon2

KHU RỪNG TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH

…Lâu lắm rồi, hình như thành phố này vắng hẳn tiếng chim chuyền cành khi vừa thoát khỏi lồng nhốt, líu lo chửi người nuôi trên tán cây, những con sóc đuôi đỏ thủng thẳng, bình thản đến lạ, khoan thai gặm nhấm những quả thông xù xì chẳng sợ người chọc phá…mà thay vào đó là tiếng máy khoan gầm rú nện liên hồi vào lòng đất, tiếng cắt, tiếng máy đào, nhồi cọc bắn phá chẳng nương lòng…

…Nhớ tích xưa Âu Cơ trăm trứng nở trăm con thì nay đã là gì so với người trần mắt thịt, dân số gần 13 triệu người cứ hối hả kiếp luân hồi trên con đường đi tìm cái đích của chính mình. Thành ra không gian của lũ chim, lũ sếu…lũ động vật bậc thấp hèn kia đã bị choáng hết không gian sống, chúng buộc phải bỏ chạy và tìm về nơi ẩn náu gần như cuối cùng tại khu rừng trong truyện cổ tích bên xa kia

III.Khu Nam: Quận 7, Huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ

Quận 7:

Tổng quan:

Diện tích 35,69km2 dân số khoảng 400.000 người mật độ 11.207 người/km2.

…Nhắc tới quận 7 không thể không nhắc tới Phú Mỹ Hưng, thương hiệu uy tín với việc quy hoạch theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, luôn kiên trì tuân thủ chặt chẽ các quy định, đảm bảo đô thị phát triển theo hướng hiện đại nhưng vẫn xanh, sạch, đẹp và hiếm có dính dáng gì đến băng rôn khiếu kiện, điều mà rất nhiều chủ đầu tư quốc nội vẫn thường khuyến mãi thêm cho khách hàng trong thời gian qua. Phú Mỹ Hưng góp phần làm thay da đổi thịt khu vực đầm lầy hoang hóa cách đây 20 năm kèm theo là những quan điểm khác nhau về việc chính quy hoạch đô thị nơi này là một phần nguyên nhân trong câu chuyện Sài Gòn ngập như hiện nay. Việc đã xảy ra, nhìn chung dự án này là đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước có giá cả vừa phải không bị ngáo như một số nơi và là tiền đề cho các chủ đầu tư khác nhìn vào, tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có để tiếp tục lập dự án, kéo theo sự phát triển bùng nổ của thị trường bất động sản khu Nam.

…Hiện từ quận 7 sở hữu: các cảng dọc sông Sài Gòn (Cảng Gas, cảng Vic, cảng Bến Nghé di dời sau năm 2020 – cảng Rau Quả vẫn tiếp tục kinh doanh khai thác đến 2020, chuyển đổi công năng tại chỗ) – Các khu chế xuất Tân Thuận, cụm công nghiệp Phú Mỹ và một số các dự án hạ tầng như: Trục đường Bắc-Nam đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh, khu công nghiệp Hiệp Phước – Đường Vành Đai 2 từ nút giao An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh đi qua Quận 8, Quận Bình Tân và huyện Bình Chánh – Cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ – Cầu Thủ Thiêm 4 nối liền Quận 2 với Quận 7 – Trục đường chính Nguyễn Hữu Thọ – cầu Kênh Tẻ và Huỳnh Tấn Phát – cầu Tân Thuận – Nguyễn Tất Thành

…Trong khi quy hoạch quận 7 đến năm 2020 chỉ có sức chứa tối đa 424.000 người, thì thực tế các dự án hàng nghìn căn hộ tại đây đang gây sức ép rất khủng khiếp lên cơ sở hạ tầng và xã hội. Đây cũng chính là nỗi ám ảnh thường trực của cư dân quận 7 mỗi ngày đi làm đều phải tham gia vào phần thi vượt chướng ngại vật tại nút kẹt tắc kinh khủng khiếp cầu Kênh Tẻ với hơn chục tòa tháp cao hơn 30 tầng được quy hoạch rải lối đi về, đi kèm với việc bị mùi hôi của bãi rác Đa Phước ôm ấp, chở che…

…Và như vậy mỗi một đời người, một ngày tiêu phí hàng tiếng đồng hồ thanh xuân của mình trên những cung đường đày ải này là cả một sự phí phạm ghê gớm!

Giá chung cư (tr/m2): 

Himlam Riverside Tân Hưng (38tr) – Sunrisecity (41tr) – Hưng Vượng123, Mỹ Khánh, Mỹ Phúc, Sky Garden123, Green View(32-38tr) – Grand View Riverside, Sài Gòn South Residences, Happy Valley, Panorama, Green Valley (40-50tr) –– Sun Shine City (45tr) – Celesta Rise Nhà Bè Nguyễn Hữu Thọ (42tr) – Q7 SaiGon Riverside 4 Đào Trí (31tr) – Golden King 15 Nguyễn Lương Bằng (53tr) – An Gia Riverside (35tr) – Luxcity ngã tư Nguyễn Thị Thập và Huỳnh Tấn Phát (35tr) – The Golden Star 72 Nguyễn Thị Thập (39tr) – Green Star Sky Garden – South Gate Tower – Hoàng Anh Gia Lai II (25tr) – Hoàng Anh Thanh Bình (30tr) – Sunshine Diamond River (40tr) – Eco Green SG (55tr)…

Biệt Thự Liền Kề: 

Golden Star Nguyễn Thị Thập (85tr) – Nam Long (95tr) – Lotus Residence (48tr) – The EverRich 3 (120tr) – Khu dân cư Phú Mỹ (85tr) – Him Lam Kênh Tẻ (150tr) – Kim Sơn Tân Phong (105tr) – Phú Mỹ Hưng (150tr) – ADC Phú Mỹ (65tr)…

Nhà phố thổ cư (tr/m2): 

Tân Thuận Tây, Tân Mỹ, Đường số 15 (45-169tr) – Võ Thị Nhờ, Đường số 8(72-100tr) – Bùi Văn Ba (23-85tr) – Lâm văn Bền, Đường số 19,39 (93-195tr) – Tân Quy Đông, Lý Long Tường (129-155tr) – Hưng Gia 3, Bùi Bằng Đoàn, Cao Triều Phát, Đường số 41 (134-215tr) – Lâm văn Bền, Phan Huy Thực, Đường số 15, 33 (57-156tr) – Trần Xuân Soạn, Đường D4, Đường số 3, Phú Thuận (80-216tr) – Nguyễn Hữu Thọ (130-172tr) – Gò Ô Môi, Huỳnh Tấn Phát (39-110tr) – Hoàng Quốc Việt (45-125tr) – Nguyễn Lương Bằng (40-180tr) – Phạm Hữu Lầu (58-109tr) – Đào Trí, Đường số 1 (15-120tr) – Chuyên Dùng 9 (35-60tr) – Lý Phục Man, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Linh, Đường số 53,10 (50-150tr) …

…Chào quận 7, mây lang thang tìm đến nơi nước chảy chia hai:

“Nhà bè nước chảy chia hai – Ai về Gia Định – Đồng Nai thì về

Chồng chài, vợ lưới, con câu – Thằng rể đóng đáy, con dâu ngồi nò”

Huyện Nhà Bè: 

Tổng quan:

Diện tích 100 km2 dân số khoảng 230.000 người mật độ 2.300 người/km2

…Vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, tên gọi Nhà Bè xuất hiện khi công cuộc khẩn hoang được các chúa Nguyễn đẩy mạnh với quy mô lớn, nhiều cư dân đàng ngoài xuôi thuyền vào tới sông Soài Rạp gặp dòng nước ngược, do lòng thuyền chật hẹp nấu nướng khó khăn nên có một người tên Võ Thũ Hoằng đã nảy ra sáng kiến cho đốn tre kết làm bè neo trên sông, về sau, nhiều người học theo cũng kết thành vài chục chiếc bè làm chỗ buôn bán, trao đổi hàng hoá. Và cứ thế khoảng sông này ngày càng tấp nập và địa danh Nhà Bè được ra đời từ đó.

…Nhà Bè trước đây có đặc sản như cá chìa vôi, cá dứa, cá bống dừa, cua biển với đặc điểm của vùng đất nước lợ khiến cho thịt ngọt, thơm và ngon nhưng ngày nay vì đô thị hóa nên những món ăn ấy chỉ còn trong ký ức thèm thuồng.

…Nhà Bè có cảng, khu công nghiệp Hiệp Phước, khu công nghiệp Tân Bình, cụm Công Nghiệp Long Thới là những món bảo bối để phát triển kinh tế nếu biết tận dụng và quy hoạch tốt cùng với những công trình giao thông như: Hầm chui – Cầu vượt Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ kết nối Nhà Bè với trung tâm quận 7, quận 4 và quận 1 – Cầu Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm, Rạch Dơi – Cầu Cần Giờ kết nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ và các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ – Cao tốc Bến Lức, Long Thành – Tuyến metro số 4

…Nhà Bè có lợi thế về hệ thống sông, kênh, rạch nhiều, các tuyến giao thông thủy có thể kết nối đến Bến Bạch Đằng, Cần Giờ, miền Tây Nam Bộ vì vậy đầu tư các công trình thủy, khai thác quỹ đất dọc các tuyến sông rạch, kết hợp với du lịch đường thủy, gắn với thủy, bảo vệ thủy thì sẽ là một tài nguyên vô giá mà vùng này khai thác muôn đời chẳng bao giờ cạn. Dự kiến năm 2025, huyện Nhà Bè sẽ lên quận tuy nhiên điểm yếu của nơi này lâu nay thường bị ngập do triều cường, giá cả một số nơi đã bị đẩy lên cao quá mức không tương xứng với tình hình thực tại …

Giá chung cư (tr/m2):

Nam Sài Gòn Riverside (35tr) – Dragon City, Silver Star (30tr) – Sunrise Riverside (34tr) – Hoàng Anh Gia Lai 3 New Sài Gòn (25tr) – Phú Hoàng Anh (22tr) – Celesta Rise (40tr) – La Partenza (26tr) – Goldora Plaza (30tr) – Orchid Park (22tr) …

Biệt Thự Liền Kề: 

Dragon Parc (60tr) – GS Metrocity (70tr) – Green Riverside Phú Xuân (45tr) – Khu dân cư Nhơn Đức (25tr) – Phú Xuân Vạn Phát Hưng (33tr) –Thanh Nhật (28tr) – Thái Sơn 1 (45tr) – Kim Long (120tr) – Nine South (90tr) – Lavila (80tr) – Khu Dân Cư Thanh Niên (15tr) …

Nhà phố thổ cư (tr/m2): 

Nguyễn Bình (23-45tr) – Đào Sư Tích (29-79tr) – Lê Văn Lương (18-30tr) – Phan Văn Bảy (12-20tr) – Liên Ấp 2-3-4 (8-10tr) – Dương Cát Lợi (47-75tr) – Đào Tông Nguyên (40-68tr) – Phạm Hữu Lầu (25-70tr) – Nguyễn Hữu Thọ (35-90tr)

Bình Chánh:

Tổng quan:

Diện tích 252,69 km2 dân số 750.000 người mật độ 2.968 người/km2

…Nhớ về Bình Chánh, vùng này trước đây đất ruộng vẫn còn nhiều, các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B mênh mông vườn tược nhưng rồi trải qua nhiều biến động, đất không canh tác, không được hướng dẫn trồng cây gì, nuôi con kia không có nguồn thu nhập nên những bờ xôi ruộng mật ấy cứ dần dần được bà con xẻ từng khúc đất đem ra bán … Rồi nhà nhà, cửa cửa cứ tự phát mọc lên, xây dựng tự ý chen chúc nhau, người đến trước thụt vào kẻ mua sau thụt ra không theo tiêu chuẩn nào, đường xá cứ thế nhỏ hẹp dần, ngoằn ngoèo, thiếu công viên cây xanh, thiếu dịch vụ xã hội.

…Nhiều gia đình vì còm cõi chắt đời được chút tiền, nhắm liều mua phải những căn nhà xây không phép từ đầu nậu bán rẻ để rồi đùng một cái bị cưỡng chế tháo dỡ để trả lại hiện trạng như cũ trong đó phải kể đến gần chục khu dân cư ‘khủng’ xây ​sai phép cộng thêm các dự án quy học treo như “Khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc” lơ lửng hơn 20 năm càng làm cho bức tranh ở đây thêm hỗn độn

…Nhiều nơi trên thế giới vì tốc độ đô thị hóa quá lớn nên đã phải điều chỉnh để giữ cho được các vành đai xanh, vành đai nông nghiệp, họ tìm cách hỗ trợ bà con nơi đó về vốn, kỹ thuật, đầu vào, đầu ra giúp bà con cải thiện thu nhập và góp phần để bảo vệ các đô thị xung quanh đảm bảo về lương thực nếu một ngày nào đó thiên tai dịch họa…chẳng lành xảy ra

…Điểm mạnh của nơi này là đất thổ cư giá còn chưa bị ngáo lắm nhưng một số căn hộ chung cư sau này thấy đằng Đông, đằng Tây hét giá cũng đánh đu hùa theo vẽ vời những viễn cảnh bao la là bát ngát

Giá chung cư (tr/m2): 

Saigon Intela LDG, Terra Mia (25tr) – Lovera Vista (30tr) – West Gate (35tr) – Cavahome (20tr) – Rubi Homes (15tr) – Victoria Queen (30tr) …

Biệt thự liền kề(tr/m2): 

Lovera Premier(56tr) – Tân Tạo Central Park( 35tr) – Tân Kiên Residence (29tr) – Gia Phú (15tr) – Intresco (50tr) – Đại Phúc (40tr) – T30 (45tr) – Phong Phú 4 (27tr) – Conic (39tr)

Nhà phố thổ cư (tr/m2):

Vĩnh Lộc, Đinh Đức Thiện (8-20tr) – Võ Văn Vân, Thới Hòa (7-38tr) – Liên Ấp 1-2-3, Trịnh Quang Nghị, Tỉnh Lộ 10, Trần Văn Giàu, Quốc Lộ 50, Quốc Lộ 1A, Hương lộ 11 (9-22tr) – Đoàn Nguyễn Tuấn (10-35tr) – Tân Liêm, An Phú Tây (9-12tr) – Nguyễn Văn Linh (19-60tr) – An Phú Tây (10-12tr) – Đường số 9A, số 1 (90-120tr) – Trịnh Như Khuê (9-15tr) – Đoàn Nguyễn Tuân (12tr) – Bờ Huệ, Tân Túc (15-50tr) …

…Đọc tới đây, chắc hẳn nhiều người cũng thấy ngan ngán cái sự rối ren, loanh quanh quẩn lại cũng chỉ là đất, đất và đất này. Thôi thì nghỉ một chút nghe thử mấy câu ca sau:

“Đất vắng cây đất ngừng, ngừng hơi thở – Cây thiếu đất cây sống sống với ai

Chuyện trăm năm ân tình cây và đất – Cây bám rễ sâu đất ôm chặt tận đáy lòng

Những con đường trải dài bóng mát – Những mảnh vườn trái ngọt cây xanh

Ôi đẹp làm sao tình cây và đất – Đem đến môi sinh mảnh sống cho đời”

…Nhắc đến tình cây và đất thì cần phải trông về một nơi đang run mình chờ phận để đón nhận những bản kế hoạch chạm đụng tới rìa vùng sinh mệnh của SG

Cần Giờ: 

Tổng quan:

Diện tích 704,22 km2, dân số khoảng 80.000 người, mật độ 113 người/km2

…Cần Giờ giống như một hòn đảo tách biệt với xung quanh, bốn bề là sông và biển ở giữa huyện có Sông Lòng Tàu chảy qua

…Người phương Tây có nền văn minh và một tấm lòng rất trân quý tôn trọng thiên nhiên do đó vào năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc với nhiều loài động thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam, đã được Tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam, với tổng diện tích 75.740 ha, bao trọn huyện Cần Giờ do đạt được hầu hết các tiêu chí đánh giá và tránh được các xúc tu màu xám của bê tông đang thò ra trực xâm lấn tài nguyên này. UNESCO cũng đã khuyến cáo không nên phá hủy Cần Giờ

…Vậy tầm quan trọng của khu dự trữ sinh quyển như thế nào đối với nhân loại chứ không chỉ riêng SG hay Cần Giờ:

+ Bảo tồn sự đa dạng sinh học

+ Là “lá phổi” của thành phố, hấp thụ CO2 và cung cấp oxy, hoạt động như quả thận lớn để lọc ô nhiễm nước thải từ thành phố chảy xuống

+ Là bức tường xanh bảo vệ khu vực khỏi bão lốc và sóng thần từ biển Đông, hãy tưởng tượng để dễ hình dung rằng rừng ngập mặn đứng lừng lững trước biển 100m thì khi có sóng sẽ hạ 50% khi vào tới bờ, những con đê biển chắn sóng (đê đất, đê kè bêtông) cũng được vững vàng hơn do rừng giảm thiểu áp lực của nước

+ Có vai trò chính trong việc giảm rủi ro từ tác động biến đổi khí hậu

+ Là nơi đầu sóng ngọn gió, lá chắn của SG, có thể bảo vệ SG trước hiện tượng nước biển dâng do tốc độ bồi lắng trong rừng ngập mặn cao nên có khả năng theo kịp mực nước biển dâng, hạn chế xói lở bờ biển

+ Là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm thuộc sách đỏ Việt Nam.

+ Sở hữu sứ mệnh là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

…Những điều ấy chính là vốn thiên nhiên để lại cho trần gian bao gồm các giá trị vật chất và phi vật chất của tự nhiên mà con người có thể sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua quy đổi giá trị bao gồm hai nhóm tài nguyên quan trọng là nguồn tài nguyên không tái tạo như: dầu, khí, than, khoáng sản… và nguồn tài nguyên tái tạo như: các hệ sinh thái và từ các giá trị dịch vụ mà chúng mang lại cho con người

…Câu hỏi và lời cảnh báo từ các chuyên gia đối với các dự án có ý định xây dựng ở khu vực này:

+ Miền Nam Việt Nam là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do nước biển dâng và nhiều vùng trũng thấp dễ bị ngập lụt trong những trận mưa lớn hoặc thời kỳ triều cường, nếu không giữ gìn và bảo tồn rừng Cần Giờ tương lai khu vực sẽ ra sao?

+ Khi hàng chục tòa nhà cao tầng, hàng nghìn căn biệt thự, hàng trăm nghìn tấn bê tông dồn tải trọng lên một nền đất sình lầy sẽ khiến cho tốc độ sụt lún của toàn khu vực tăng nhanh với tốc độ lún 5-10cm/năm thì hậu quả sau vài chục năm cả vùng sẽ lún ngang mặt nước và việc bì bõm ngập lụt sẽ là viễn cảnh.

+ Các dự án đã đánh giá mức độ lan truyền của nước thải từ hoạt động san lấp trong giai đoạn xây dựng và hàng trăm nghìn khối nước thải sinh hoạt mỗi ngày từ hoạt động của dự án đến chất lượng nguồn nước nuôi rừng ngập mặn ra sao?

+ Hàng triệu tấn cát để phục vụ việc san lấp Cần Giờ nếu làm dự án sẽ lấy từ đâu, chỗ bị lấy chẳng hạn như đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở, phù sa thiếu dinh dưỡng bị phân rã bạc màu thì hậu quả tiếp tục nặng nề hơn ảnh hưởng tới: ngân sách lại đổ thêm vào để khắc phục, đời sống người dân quanh vùng thì nơi nào sẽ chịu trách nhiệm?

+ Kế hoạch của những dự án bđs hàng nghìn ha đồng thời cũng lấn luôn cả biển hàng trăm ha dù không hề có sức ép dân số nào để đến mức như vậy sẽ tác động bất lợi rất lớn đối với dòng chảy, xói lở, chặn dòng thoát lũ vì nâng nền dẫn đến ngập giống như Phú Quốc là đảo vẫn ngập do quá trình đô thị hóa chắn đường thoát nước ra biển với các trận siêu bão, bão lâu ngày, ô nhiễm môi trường từ khí thải các phương tiện tàu thuyền, rác lan vào vùng lõi, biến đổi hệ sinh thái, phá hỏng quy hoạch vùng

+ Liệu những dự án bđs bê tông với hàng chục km đường bao nếu dựng lên án ngữ mặt tiền ven biển Cần Giờ sẽ thuộc của riêng ai, quyền lợi thụ hưởng cảnh quan thiên nhiên của người dân sẽ còn nguyên vẹn không?

+ Nguy cơ trượt ngang của lớp bùn phía dưới sẽ tác động không tốt nền móng cho các dự án

+ Dự báo đến 2030 toàn khu Cần Giờ có khả năng dưới mực nước biển, hiện tượng xâm nhập mặn sẽ tấn công, phá hủy, ăn mòn các công trình vậy có cần thiết phải dựng đô thị bê tông cắm xuống rừng sinh quyển Cần Giờ không khi đổi lại quá nhiều những tác động xấu đến nơi này

+ Trong bối cảnh biến đổi khí hậu chả lẽ ở tất cả các địa phương thành phố cứ có đất chỗ nào to to, vừa miếng là lại đem bê tông về trồng rồi bán bđs?

…Ngược lại cũng có những sự phản biện dưới góc độ nôn nao kinh tế:

+ Trên thế giới có không ít dự án lấn biển đã trở thành biểu tượng du lịch, biểu tượng quốc gia như Hồng Kông lấn biển xây một số khu đô thị, san bằng đảo ngoài biển xây sân bay.

+ Singapore lấn biển xây quần thể Marina Bay hoành tráng, đang lấn biển để mở rộng sân bay quốc tế Changi.

+ Nhật Bản, Hàn Quốc đã lấn biển xây một số sân bay

+ Dubai xây khu đô thị Palm City rộng 5km2 ngoài biển, là khu đô thị cao cấp nhất nước này

+ Không khai thác kinh tế để người dân đói khổ thì họ còn phá rừng nhiều hơn lâm tặc?

+ Chẳng lẽ một nơi đẹp như thế mà lại để hoang sơ mãi, lìu tìu vài tour du lịch gây lãng phí trong khi lập dự án lên thu lời hàng nghìn tỉ đồng, đường xá, bộ mặt cả khu sáng bừng chóe lên, không thích hơn sao?

…Tuy nhiên những lập luận này có vẻ như thiếu thuyết phục chỉ đề cập đến việc các nước đó quá cấp thiết phải lấn biển để mở rộng địa giới, an ninh trong khi hệ thống quản lý tài nguyên cũng như việc gìn giữ thiên nhiên từ các nước có trình độ tiên tiến, nhận thức rất cao, làm quy hoạch bài bản nên về tác động từ các dự án đến môi trường có thể tậm yên tâm hơn, thứ hai đây là rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ là biển đơn thuần, thứ ba hậu quả nhãn tiền từ việc san lấp các hồ ao, làm biến mất các khu rừng sinh thái đã dẫn đến biết bao hậu quả mà tới giờ vẫn loay hoay không khắc phục nổi và thứ tư đừng nghĩ vẻ đẹp nhân tạo lại có thể so sánh với vẻ đẹp trường tồn của thiên nhiên và cuối cùng chính những người dân nơi này đã có ý thức bảo vệ để làm hồi sinh khu rừng sinh quyển Cần Giờ này tưởng như đã không còn do bị chiến tranh tàn phá trước kia.

…Vậy làm cách nào để hài hòa giữa 2 luồng ý này?

+Tất cả đều không thể phủ nhận và đồng ý với nhau về tầm quan trọng của rừng ngập mặn cũng như những con số thống kê thiệt hại đến giật mình từ đồng bằng sông Cửu Long khi diện tích rừng ngập mặn đã giảm đến 80% trong 50 năm qua

+ Chắc chắn là cần phải tìm cách khai thác không để uổng phí tài nguyên, thu lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho ngân sách địa phương, lợi ích thích đáng cho các doanh nghiệp đầu tư nhưng nhất thiết phải là sự quy hoạch xây dựng bài bản, mang tính khoa học, tầm nhìn hàng trăm năm, thỏa mãn được hầu hết các yếu tố bảo vệ môi trường, có những đánh giá đầy đủ về các tác động khi hình thành

+ Phải xem xét, cân nhắc đặc biệt tới vật liệu thi công tại những công trình này, yêu cầu phải sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như nhà từ gỗ, cây chịu mặn làm cột, cấm bê tông và hạn chế tối đa chiều cao, mật độ với khu thấp tầng, ko nên có những rừng, trùm khu cao tầng và tránh việc thay đổi hiện trạng

+ Các tổ chức, tập đoàn, cty có nên áp dụng 3 từ “Phi Lợi Nhuận” thường nói với những nơi như thế này để khai thác một cách chắt chiu, không nôn nóng và tôn trọng tuyệt đối tài nguyên thiên nhiên của đất nước dành cho thế hệ mai sau hay không?

+ Có nên dùng từ đô thị với những nơi như thế này hay chỉ tạo nên những khu thung lũng Cần Giờ, đại Maldives với kiến trúc bungalow nhà chòi, biến Cần Giờ giống như khu rừng trong truyện cổ tích xa xưa với những lâu đài cư trú vừa và nhỏ nằm xen kẽ với mật độ vừa phải

+ Cần xây thêm những cây cầu vượt sông để khai thác du lịch

+ Truyền bá rộng rãi tài liệu hướng dẫn, sổ tay, kế hoạch, quy tắc ứng xử và thực hành nhằm đẩy mạnh việc quản lý bền vững khi sử dụng tài nguyên

+ Khôi phục các diện tích rừng ngập mặn đã bị suy thoái

+ Tìm cách gia tăng phúc lợi xã hội và kinh tế cho người dân bản địa

+ Kiểm soát và hạn chế các hình thức sử dụng không bền vững để cho các nguồn lợi và năng suất lâu dài của các hệ sinh thái rừng ngập mặn không bị mất đi

+ Giới thiệu các giải pháp điều tiết để sử dụng khôn khéo các hệ sinh thái rừng ngập mặn

+ Nên thiết kế kết hợp các tour du lịch đường sông, tour trải nghiệm mới lạ, giữ mức âm thanh tối thiểu, văn hóa tiếp cận trước thiên nhiên hay đan xen các hoạt động trải nghiệm như trồng rừng, bắt cá, tạo thêm dịch vụ nhân tạo như các bãi tắm, bãi biển, hồ nhân tạo, hệ thống lưu trú chất lượng, các tour mua sắm đặc sản, nông sản, thủy hải sản, xem chế biến tại chỗ để tăng thu nhập cho địa phương

…Nghịch lý của các tour du lịch và một số tác động không tốt tại Cần Giờ hiện nay:

+ Quãng đường từ trung tâm thành phố đến thị trấn Cần Thạnh chỉ khoảng 70km, di chuyển bằng phà phải mất nhiều tiếng đồng hồ nên thời gian tham quan, vui chơi, trải nghiệm bị hạn chế.

+ Trên các tuyến lịch trình vẫn thiếu các điểm dừng, khu giải trí, vui chơi.

+Việc khai thác sức hấp dẫn chính của sản phẩm du lịch còn nhiều hạn chế

+ Bãi biển hẹp và nhiều đá, muốn làm bãi tắm phải đầu tư cải tạo, chất lượng nước biển cũng không sạch

+ Cây cối bị chặt hạ do nuôi tôm, nền đất bị hút cạn tạo thành các đầm tôm, ô nhiễm thượng nguồn và xói lở do các tàu chở hàng khổng lồ đi qua, nạn đổ thải hóa chất xuống nước

+ Hằng năm có những dự án mới và một số diện tích rừng ngập mặn lại tiếp tục bị phá hủy

+ Nhiều sàn, đại lý từ bên trong viện cớ kích hoạt sốt đất Cần Giờ, thông tin đầu tư chủ yếu đến từ các nhà đầu tư từ SG hay các tỉnh thành khác với mục đích lớn là đầu cơ, lướt sóng bởi họ đã nắm được một số tin tức trước rồi bắt tay với người môi giới đất địa phương đăng tin sốt ảo khiến nhà đất không còn ở giá trị thật

Nhà phố thổ cư (tr/m2): 

Tam Thôn Hiệp (12tr) – Thạnh Thới, Duyên Hải, Phan Đức, Trần Quang Quờn (10t-30tr) – Nguyễn Văn Mạnh, Giồng Ao (22- 24tr) – Trần Quang Đạo (15tr) – Rừng Sác, An Thới Đông (13-35tr) – Hà Quang Vóc (10tr) – Đặng Văn Kiều (7tr) – Tắc Xuất (30tr) – Lương Văn Nho (13tr) – Duyên Hải (18tr) – Đào Cử (55tr) …

…Hết khu Nam, mây lang thang tự hỏi loài người cứ mải miết cả cuộc đời để đi tìm những danh vọng hòng thỏa mãn thứ cảm xúc trên muôn người mà bỏ quên đi:

“Trời đầy chim và đất đầy hoa – Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta – Những cánh đồng thơm ngát Những ngả đường bát ngát – Những dòng sông đỏ nặng phù sa Nước chúng ta – Nước những người chưa bao giờ khuất – Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất – Những buổi ngày xưa vọng nói về!

…Đất Nước trường tồn, danh nhân ghi cùng sử sách!

Theo Trịnh Thành

Tham gia thảo luận

Mua bán ký gửi nhà đất chính chủ Q. Bình Tân, HCM
Chuyên Bình Trị Đông, Bình Trị Đông A, Bình Hưng Hòa A
Thông tin chính xác, hình ảnh thực tế 100%
Tư vấn vay ngân hàng, quy hoạch, xây dựng miễn phí

Mail

bdsbinhtan.vn@gmail.com

Call/Zalo

0915396611

Newsletter Sign up

Compare listings

So sánh